THE TIME TRAVELER’S WIFE – Part 2.5

BÀI HỌC VỀ SỰ SỐNG SÓT

Thứ năm, 07 tháng 06, 1973 (Henry 27, 9 tuổi)

HENRY: Tôi đang đứng trên phố nhìn vào Học viện Nghệ Thuật Chicago vào một ngày đầy nắng của năm 1973 cùng với người bạn chín tuổi – cũng chính là tôi. Cậu bé sẽ có chuyến đu hành vào thứ tư tuần tới; tôi đến từ năm 1990. Chúng tôi có cả buổi chiều và buổi tối như ý muốn, vì vậy chúng tôi đã đến một trong những viện bảo tàng lớn nhất thế giới để thực hành một bài học nhỏ đó là cách móc túi.

“Chúng ta không thể chỉ xem các tác phẩm nghệ thuật sao?” Henry ‘bé’ nài nỉ. Cậu bé lo sợ. Cậu chưa từng làm việc này bao giờ.

“Không được. Cháu cần biết việc này. Cháu sẽ sống sót thế nào đây nếu không thể đánh cắp bất cứ thứ gì.”

“Cháu năn nỉ chú mà.”

“Tránh né chỉ làm tăng thêm trở ngại thôi, và cháu sẽ bị tóm lên xe của cảnh sát. Vậy nên cháu hãy nghe chú nói đây: Khi chúng ta đi vào đó, chú muốn cháu đứng cách xa chú và vờ như chúng ta không biết nhau. Nhưng phải đủ gần để thấy được hành động của chú nhé. Nếu chú đưa cho cháu cái gì thì không được làm rơi và phải đút ngay vào túi của cháu nhanh nhất có thể. Okay?”

“Cháu nghĩ là được. Chúng ta có thể đi xem bức tranh Thánh George được rồi chứ ạ?”

“Chắc chắn rồi.” Chúng tôi vượt qua đại lộ Michigan và bước đi giữa những sinh viên và những bà nội trợ đang tắm nắng trên những bậc thang nơi cửa bảo tàng. Henry vỗ vỗ đầu một con sư tử bằng đồng khi chúng tôi bước qua. Tôi cảm thấy mọi chuyện không ổn lắm. Một mặt, tôi đang chuẩn bị cho chính bản thân mình kỹ năng sống sót trong những hoàn cảnh cấp bách. Những bài học tiếp theo là Ăn cắp, Đánh nhau, Phá khóa, Trèo cây, Lái xe, Đột nhập vào nhà, Dìm mình trong thùng rác, và Cách biến những thứ khác thường như mành cửa, nắp thùng rác thành vũ khí. Mặt khác, tôi đang làm hư hỏng cậu bé con ngây thơ cũng chính là tôi đây. Tôi thở dài bất lực. Giá ai đó có thể thay tôi làm việc này. Hôm nay là ngày vào cửa tự do, nên nơi này rất đông người. Chúng tôi đứng xếp hàng, đi qua cửa, và từ từ tiến vào cầu thang trung tâm rất hoành tráng. Chúng tôi vào gian phòng triển lãm Châu Âu và đưa mình trở về với đất nước Hà Lan thế kỷ 17 cho đến Tây Ban Nha thế kỷ 15. Thánh Goerge vẫn luôn luôn trong tư thế sẵn sàng đâm con rồng bằng giáo mác sắc nhọn trong khi công chúa nước da xanh xao, mặc bộ váy màu hồng e lệ đang quỳ trên đất, chờ đợi cách đó không xa. Cậu bé và tôi rất thích con rồng bụng màu vàng, và chúng tôi luôn thấy nhẹ nhõm khi phát hiện ra khoảnh khắc bất hạnh của nó vẫn chưa đến.

——–

Henry và tôi đứng trước bức tranh của Bernardo Martorell khoảng năm phút, rồi cậu bé quay sang nhìn tôi. Chúng tôi cũng sắp có buổi triển lãm của riêng mình rồi.

“Sẽ không quá khó đâu,” tôi nói. “Hãy chú ý tìm người nào đó có vẻ lơ đãng. Nhìn xem cái ví có thể ở chỗ nào trên người họ. Hầu hết đàn ông đều để ví ở túi quần sau hoặc túi bên trong áo khoác. Còn với phụ nữ thì là cái túi xách sau lưng họ. Nếu cháu ở trên đường phố thì cháu có thể chộp được rất nhiều đấy, nhưng ngay sau đó cháu phải chắc chắn rằng cháu có thể chạy nhanh hơn bất kỳ ai định đuổi theo cháu. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu cháu lấy nó mà không làm họ chú ý.

“Cháu đã xem trong một bộ phim, họ có một bộ quần áo gắn một những chuông nhỏ, nếu ai làm bộ quần áo chuyển động khi ăn cắp ví thì chuông sẽ reo.”

“Ừ, chú cũng biết bộ phim đó. Cháu có thể thử ở nhà. Giờ thì đi theo chú nhé.”

Tôi dẫn Henry từ thế kỷ 15 và đến với thế kỷ 19; chúng tôi bất ngờ đứng giữa gian phòng của trường phái ấn tượng Pháp. Học viện Nghệ thuật nổi tiếng với bộ sưu tập tác phẩm của các họa sĩ trường phái ấn tượng.

Tôi xem hay không xem cũng được, nhưng như thường lệ, các căn phòng đều chật cứng người nghển cổ để lướt nhìn bức tranh của La Grande Jatte hay một bức Haystach của Monet. Henry không thể xem những bức tranh khi mà cậu bé lọt thỏm giữa những người lớn xung quanh, nhưng dù sao thì cậu bé cũng quá lo lắng để có thể ngắm tranh lúc này. Tôi đưa mắt quét khắp căn phòng. Một người phụ nữ đang cúi xuống bên đứa con của cô ấy khi nó nhăn nhó và hét lên. Có lẽ đã đến giờ ngủ. Tôi gật đầu với Henry và di chuyển về phía người phụ nữ đó. Túi xách của cô ấy có một cái móc đơn giản và được đeo qua vai, vắt qua lưng. Cô ấy đang hoàn toàn tập trung vào việc ngăn không cho con mình hét lên. Cô ấy đứng trước bức tranh At the Moulin Rouge của Toulouse-Lautrec. Tôi giả vờ như đang nhìn bức tranh khi đi ngang qua hai mẹ con họ rồi chẳng may đụng vào cô ấy, đẩy cô ấy về phía trước một chút, tôi đỡ lấy tay cô ấy. “Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi, tôi không để ý nhìn đường, cô không sao chứ? Chỗ này đông người quá…” Tay tôi đặt trên chiếc túi xách, cô ấy đang rất bối rối, cô ấy có đôi mắt màu đen và mái tóc dài, ngực lớn, cô ấy vẫn đang cố giảm cân sau khi sinh con. Tôi bắt gặp ánh mắt của cô ấy, vẫn nói lời xin lỗi và chiếc ví chuyển sang túi áo khoác của tôi, tôi nhìn cô ấy một lượt, mỉm cười rồi lùi lại, xoay người, bỏ đi, liếc nhìn sau lưng. Cô ấy bế đứa bé lên và vẫn nhìn chằm chằm vào lưng tôi, dáng vẻ đáng thương, cô độc. Tôi mỉm cười nhưng vẫn bước đi xa dần. Henry đi theo tôi khi tôi đi xuống khu vực bảo tàng cho trẻ em. Chúng tôi hẹn gặp trước phòng vệ sinh nam.

“Thật là kỳ quái,” Henry ‘bé’ nói. “Sao cô ấy lại nhìn chú như vậy?”

“Vì cô ấy chỉ có một mình,” tôi tìm một lý do trả lời cậu bé. “Có lẽ do chồng cô ấy không ở bên cô ấy nhiều lắm.” Chúng tôi trốn vào một gian hàng hàng và mở cái ví vừa trộm được ra. Tên cô ấy là Denise Radke. Cô ấy sống ở Villa Park, bang Illinois. Cô ấy là hội viên của bảo tàng và từng là sinh viên của trường địa học Roosevelt. Cô ấy có 22 đô la tiền mặt và mấy đồng tiền lẻ. Tôi giơ tất cả ra cho Henry ‘bé’ xem, rồi im lặng đặt mọi thứ vào chiếc ví như lúc ban đầu rồi đưa nó cho cậu bé. Chúng tôi rời gian hàng, ra khỏi khu vực dành cho nam giới và tiến thẳng về phía cửa chính của bảo tàng. “Cháu đưa cái này cho bảo vệ và nói rằng cháu nhặt được trên sàn nhà.”

“Tại sao ạ?”

“Chú chỉ làm mẫu cho cháu thôi vậy nên chúng ta không cần cái này.” Henry ‘bé’ chạy đến chỗ người bảo vệ, một người phụ nữ da đen lớn tuổi, bà mỉm cười và trao cho cậu bé một cái ôm. Cậu bé ngây ngốc từ từ lùi lại và chúng tôi bước đi cách nhau 10 feet, tôi đi trước, đi xuống dãy hành lang dài và tối mà một ngày nào đó sẽ trở thành nhà trưng bày và dẫn thẳng tới phía cánh gà vẫn bị bỏ quên cho đến bây giờ, nhưng lúc này thì đang treo đầy áp phích. Tôi đang tìm kiếm những mục tiêu dễ ăn, và ngay phía trước tôi là một minh chứng hoàn hảo cho giấc mơ của một tên móc túi. Thấp, đẫy đà, da rám nắng, trông hắn ta như thể vừa thực hiện một lượt đánh hỏng trên sân Wrigley với chiếc mũ bóng chày, chiếc quần vải ngắn sợi tổng hợp và áo sơ mi tay cộc màu xanh nhạt. Hắn đang ra vẻ lên lớp với cô bạn gái nhút nhát của mình về Vincent van Gogh.

“Vậy nên ông ta cắt tai của mình và đưa nó cho người phụ nữ của ông ta – này, em có thích một món quà như vậy không hả? Một cái tai đấy! Hừ. Vậy là họ đưa ông ta vào bệnh viên tâm thần…”

Tôi không chút e sợ chuyện này. Hắn ta đi bộ với vẻ ung dung, giọng nói thì the thé, không hay biết gì xung quanh, ví thì để trong túi sau bên trái. Hắn có một cái bụng bự nhưng không hề thấy mông đâu, còn cái ví thì như đang rất khao khát muốn tôi lấy nó đi. Tôi thong thả đi phía sau họ. Henry ‘bé’ có thể nhìn thấy rất rõ khi tôi khéo léo nhét ngón cái và ngón trỏ vào túi của hắn và lấy chiếc ví ra. Tôi rớt lại phía sau, họ vẫn tiếp tục đi, tôi trao cái ví cho Henry ‘bé’, cậu bé nhanh chóng nhét nó vào túi quần khi tôi đi về phía trước.

Tôi chỉ cho Henry ‘bé’ thêm vài mánh khóe nữa: làm sao để lấy được ví từ túi trước ngực áo vet, cách giấu tay khỏi tầm mắt khi nhét tay vào túi của phụ nữ, sáu cách khác nhau để đánh lạc hướng ai đó trong khi bạn lấy ví của họ, làm sao để lấy ví từ ba lô đeo sau lưng, và làm sao để một người tình cờ chỉ cho bạn chỗ họ cất tiền. Giờ thì cậu bé thoải mái hơn nhiều rồi, thậm chí là bắt đầu thấy thích. Cuối cùng, tôi nói, “Được rồi, giờ đến lượt cháu thử rồi.”

Ngay lập tức cậu bé như hóa đá. “Cháu không thể.”

“Chắc chắn là cháu có thể. Cháu hãy nhìn xung quanh và tìm kiếm ai đó.” Chúng tôi đang đứng trong phòng tranh Nhật Bản. Toàn là những phụ nữ lớn tuổi.

“Không phải ở đây.”

“Đồng ý, vậy sẽ ở đâu?”

Cậu bé suy nghĩ một phút rồi nói. “Ở nhà hàng được không ạ?”

Chúng tôi im lặng đi về phía nhà hàng. Tôi vẫn nhớ như in tất cả. Cậu bé thực sự sợ hãi. Tôi nhìn cậu bé, cũng là nhìn chính mình, và chắc chắn, khuôn mặt cậu bé trắng bệch vì sợ. Tôi mỉm cười vì tôi biết chính xác điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng tôi đứng xếp ở cuối hàng trong sân nhà hàng. Henry ‘bé’ nhìn xung quanh và ngẫm nghĩ.

Đứng phía trước chúng tôi là một người đàn ông trung niên cao lớn mặc một bộ đồ cắt may màu nâu; rất dễ để thấy chiếc ví nằm ở đâu. Henry đến gần ông ta, giơ cánh tay cầm một chiếc ví khác mà tôi đưa trước đó ra.

“Thưa ngài? Đây có phải của ngài không?” Henry nhỏ nhẹ nói. “Cháu thấy nó rơi trên sàn nhà.”

“Ồ, hmm, không,” người đàn ông kiểm tra túi quần sau bên phải của mình, sờ thấy cái ví của  mình, hơi đổ người về phái Henry để nghe cậu bé nói rõ hơn, cầm lấy cái ví trên tay Henry và mở nó ra. “Hmm, của chú, cháu nên mang nó đến chỗ bảo vệ, hmm, có một ít tiền mặt trong này,” người đàn ông này đeo kính dày và chăm chú nhìn Henry khi ông ta nói, Henry ‘bé’ vòng tay qua phía dưới áo khoác của người đó và lấy đi cái ví. Vì Henry đang mặc áo phông ngắn tay nên tôi đi lướt qua và cậu bé đưa cái ví cho tôi. Gã cao gầy mặc áo vét nâu chỗ cầu thang đã cho Henry biết cách che giấu cái ví. Henry từ từ đi về phía mà người đàn ông đã chỉ cho cậu, tôi đi theo ngay sau, bắt kịp Henry, dẫn cậu bé đi qua bảo tàng tới chỗ lối vào, đi qua những người bảo vệ và ra ngoài, về phía đại lộ Michigan ở phía nam, cho đến khi đến quán Nghệ sĩ, và không thể ngăn mình ngừng cười; chúng tôi tự thưởng cho mình cốc sữa lắc và khoai tây chiên cùng với những may rủi mà chúng tôi đã có được. Cuối cùng, chúng tôi vứt cái ví vào một hòm thư, đếm số tiền mặt có được và thuê một phòng ở Palmer House.

“Vậy là?” Ngồi bên bồn tắm, nhìn Henry đang đánh răng, tôi hỏi.

“Sao ạ?” Henry quay sang nhìn tôi, miệng đầy bọt kem đánh răng.

“Cháu nghĩ thế nào?”

Cậu bé phun hết bọt ra. “Về cái gì ạ?”

“Về việc móc túi ấy.”

Cậu bé nhìn tôi trong gương. “Bình thường ạ.” Quay đầu lại, cậu bé nhìn thẳng vào mắt tôi. “Cháu đã làm được.” Cậu cười rất tươi.

“Cháu rất thông minh.”

“Yeah!” Nụ cười trên môi càng rộng hơn. “Chú Henry, cháu không thích đi xuyên thời gian một mình. Sẽ tốt hơn nếu đi cùng với chú. Chú không thể lúc nào cũng đi với cháu sao?”

Cậu bé đứng đó lưng quay lại với tôi, chúng tôi nhìn nhau qua tấm gương. Hình ảnh của chính tôi nhỏ bé tội nghiệp: ở tuổi này, lưng tôi gầy, xương bả vai phía sau nhô ra như đôi cánh đang phát triển. Cậu bé quay lại, chờ đợi câu trả lời của tôi, và tôi biết mình phải nói điều gì với cậu bé – hay là với chính tôi. Tôi đưa tay ra xoay người cậu bé lại rồi dịu dàng kéo cậu bé lại đứng cạnh tôi, hai chúng tôi đứng ngang nhau và cùng nhìn vào gương.

“Cháu nhìn này.” Chúng tôi nhìn thật lâu hình bóng của chính mình trong gương, như cặp song sinh trong nhà tắm mạ vàng, lỗng lẫy của Palmer House. Tóc chúng tôi co màu nâu đậm, đôi mắt lệch, đượm buồn – có vòng trong bao quanh giống hệt nhau, chúng tôi trêu đùa với đôi tai của bản sao chính mình. Tôi cao hơn, có nhiều cơ bắp hơn và có râu nữa. Cậu bé nhỏ người hơn, vụng về, lúc nào cũng bị va vào đầu gối hoặc khuỷu tay. Tôi đưa tay lên vuốt tóc ra sau, chỉ cho cậu bé cái sẹo để lại sau vụ tai nạn.

Một cách vô thức, cậu bé bắt chước hành động của tôi, chạm vào cái sẹo trên trán. “Của chú giống của cháu,” cậu bé tự nói với mình. “Sao chú lại có cái sẹo đó.”

“Cũng giống cháu thôi. Hai cái sẹo giống nhau và chúng ta cũng giống nhau.”

Một khoảnh khắc  mở ảo. Ban đầu tôi cũng không hiểu nhưng sau đó tôi đã hiểu, cũng giống như thế. Tôi quan sát điều đó xảy ra. Tôi muốn cùng một lúc cả hai chúng tôi cùng cảm nhận cảm giác lần đầu tiên mất đi bản ngã của chính mình, cảm giác tương lai và hiện tại lẫn lộn vào nhau. Nhưng tôi đã quá quen và thấy hết sức thoải mái với điều đó, vậy nên tôi đứng bên trái cửa ra, nhớ lại sự kỳ diệu của số chín, và đột nhiên nhìn thấy, biết rằng bạn của tôi, người hướng dẫn, người anh em lại là chính tôi. Tôi, chỉ có tôi mà thôi. Đó là sự cô độc.

“Chú là cháu.”

“Khi cháu lớn lên và già đi.”

“Nhưng… còn những người khác thì sao ạ?”

“Những người du hành thời gian khác à?” Cậu bé gật đầu.

“Chú không nghĩ là còn có ai nữa. Chú chưa bao giờ gặp ai khác.”

Một giọt nước mắt trào ra nơi khóe mắt trái của cậu bé. Khi tôi còn bé, tôi đã tưởng tượng ra cả một xã hội của những người du hành thời gian, trong đó Henry là giáo viên của tôi là một sứ giả, được gửi tới để huấn luyện tôi do tình cờ bao gồm cả tình bạn thân thiết này. Tôi vẫn cảm thấy như mình như người sống sót sau vụ đắm tàu, con người cuối cùng của một giống loài rộng lớn. Nó giống như là khi Robison có phát hiện ra dấu chân trên bãi biển là của chính ông ấy. Tôi, bé nhỏ như một cái lá, gầy gò như nước và sắp khóc. Tôi ôm lấy cậu bé, ôm lấy chính tôi, thật lâu.

Sau đó, chúng tôi gọi thêm sô cô la và xem Johnny Carson. Henrry ngủ khi mà đèn vẫn sáng. Khi chương trình kết thúc, tôi quay sang nhìn cậu bé nhưng cậu đã không ở đó mà đã dịch chuyển về căn phòng của tôi trong căn hộ của bố, buồn ngủ đứng bên cạnh chiếc giường ngủ cũ và ngã xuống đó với vẻ biết ơn. Tôi tắt TV và chiếc đèn bên cạnh. Năm 1973, đường phố ầm ĩ dội vào phòng qua cửa sổ để mở. Tôi muốn về nhà. Tôi nằm trên chiếc giường cứng của khách sạn, lẻ loi, một mình. Tôi vẫn không thể thấu hiểu được.

Bình luận về bài viết này